Tiêu chuẩn hiệu trưởng mầm non đặt ra yêu cầu cụ thể về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý cũng như phẩm chất đạo đức đối với người giữ chức vụ quản lý trường mầm non. Tiêu chí hiệu trưởng của trường mầm non đặt ra mục tiêu phấn đấu cho những ai giữ trọng trách quản lý nhà trường.
Hiệu trưởng là chức vụ cao nhất ở trường mầm non, có trách nhiệm quản lý, điều hành, kiểm tra, đánh giá tất cả sự việc diễn ra trong nhà trường, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em, đồng thời tạo điều kiện cho nhà trường phát triển bền vững lâu dài. Muốn làm được điều này, người lãnh đạo cao nhất phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn hiệu trưởng mầm non, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ Giáo dục mầm non và năng lực quản lý – tổ chức hành chính. Dưới đây là những tiêu chuẩn cơ bản nhất đối với hiệu trưởng trường mầm non.
Có thể bạn quan tâm :
- Lập kế hoạch năm học trường mầm non theo mẫu mới nhất
- Kế hoạch kiểm tra nội bộ trường mầm non. Sự cần thiết, nội dung và phương pháp lập kế hoạch đúng đắn
- Quản lý giáo dục mầm non. Quản lý trường mầm non trong thời đại mới
Tiêu chuẩn hiệu trưởng mầm non về vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn công việc
Vai trò của hiệu trưởng trường mầm non
Hiệu trưởng là người đại diện cho nhà trường về pháp lý, có trách nhiệm và có thẩm quyền cao nhất về hành chính và chuyên môn trong nhà trường. Vì thế, hiệu trưởng có vai trò to lớn: quyết định kết quả phấn đấu của nhà trường. Nhiệm vụ của nhà trường thực hiện tốt hay không phần lớn tùy thuộc vào người hiệu trưởng.
Nơi nào có cán bộ quản lý tốt thì nơi đó làm ăn phát triển, ngược lại nơi nào cán bộ quản lý kém thì làm ăn trì trệ, suy sụp.
Nhiệm vụ của hiệu trưởng trường mầm non
Một là, đảm bảo chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ theo mục tiêu đào tạo. Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ luôn là mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của trường mầm non. Vì thế đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo của người hiệu trưởng. Trong quá trình quản lý nhà trường, hiệu trưởng phải luôn luôn hướng mọi mặt công tác phục vụ cho nhiệm vụ này.
Hai là, đảm bảo chỉ tiêu số lượng trẻ đến trường. Duy trì và phát triển số lượng trẻ đến lớp là điều kiện sống còn của nhà trường. Vì vậy, hằng năm hiệu trưởng phải có kế hoạch thu nhận trẻ vào trường trên cơ sở khả năng thực tế và nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ.
Ba là, xây dựng tập thể sư phạm trong trường vững mạnh đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
Bốn là, từng bước hoàn thiện việc trang bị cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn cho những trường, lớp có đủ điều kiện,… Chỉ đạo việc bảo quản, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ.
Năm là, tham mưu cho lãnh đạo và tăng cường kết hợp với các lực lượng xã hội để làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục mầm non.
Thực hiện tốt nhiệm vụ này, trường mầm non mới có được sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy Đảng và chính quy địa phương, đồng thời vận động, huy động được các nguồn lực từ cộng đồng xã hội để xây dựng và phát triển nhà trường. Người hiệu trưởng cần thực hiện nhiệm vụ này với tinh thần chủ động, kiên trì và có kế hoạch.
Sáu là, thường xuyên rút kinh nghiệm và cải tiến công tác quản lý trường mầm non để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ theo mục tiêu kế hoạch đào tạo.
Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, hiệu trưởng trường mầm non phải có những quyền hạn nhất định, tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Quyền hạn của hiệu trưởng trong công việc
– Hiệu trưởng có quyền quyết định mọi mặt về tổ chức và hoạt động của nhà trường theo điều lệ trường mầm non.
– Nhận xét đánh giá chất lượng hiệu quả công việc của cán bộ giáo viên. Đề nghị cấp trên khen thưởng hoặc kỷ luật.
– Chỉ định tổ trưởng chuyên môn.
– Triệu tập, quyết định nội dung các cuộc họp chung toàn trường.
– Nhận trẻ vào trường, giới thiệu trẻ trên lớp 1.
– Cử cán bộ giáo viên đi đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
– Dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ quản lý. Được hưởng phụ cấp chức vụ theo chế độ hiện hành.
Yêu cầu đối với hiệu trưởng trường mầm non
Công việc quản lý của người hiệu trưởng mầm non rất phức tạp, đa dạng, phải huy động trí tuệ, sự mẫn cảm rất nhiều trong công việc. Nhiệm vụ của trường mầm non đòi hỏi người hiệu trưởng về trách nhiệm cá nhân rất cao trong tiến trình đào tạo hiện hành của nhà trường và bước phát triển trong tương lai. Sản phẩm lao động của người cán bộ quản lý trường mầm non có tác dụng lớn đến xã hội, kinh tế, chính trị văn hóa. Đặc trưng công tác quản lý trường mầm non đòi hỏi hiệu trưởng không chỉ là người có học vấn toàn diện, có phẩm chất tốt mà còn biết tìm ra con đường phát triển của nhà trường, Những yếu tố đó phải được kết hợp hài hòa, bền vững trong nhân cách người hiệu trưởng và được biểu diễn cụ thể như sau:
Hiệu trưởng là người đầu đàn trong tập thể, biết cách làm việc theo tinh thần đồng đội.
Quản lý là biết cách thông qua người khác để đạt được mục tiêu của mình, cũng là mục tiêu chính trị của tổ chức. Để thực hiện mục tiêu quản lý, mục tiêu giáo dục, hiệu trưởng phải có vai trò là người đầu đàn, tiên phong, gương mẫu, biết hỏi đồng sự, biết nâng đội ngũ theo tầm suy nghĩ, tầm làm việc của mình. Phải biết lôi cuốn, thu hút cán bộ giáo viên vào cuộc, thúc đẩy họ tự giác, hăng hái, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hiệu trưởng là người có tầm nhìn rộng, có hiểu sâu về sứ mệnh, nhiệm vụ và hoàn cảnh thực tế của trường.
Điểm then chốt trong công tác quản lý của hiệu trưởng là hoàn thành được các nhiệm vụ, đạt được các mục tiêu đã đề ra. Vì thế hơn ai hết hiệu trưởng phải là người nhận thức đầy đủ, sâu sắc sứ mệnh và trách nhiệm của nhà trường đối với việc chăm sóc giáo dục con em nhân dân và thực hiện đường lối quan điểm giáo dục của Đảng trong phạm vi hoạt động của trường. Biết phân tích, tổng hợp cái mạnh, cái yếu, những khó khăn, thuận lợi về mặt khách quan và chủ quan để có được những động tác đúng đắn đem lại hiệu quả. Muốn vậy hiệu trưởng phải là người có học vấn cơ bản, toàn diện, có năng lực tạo các mối quan hệ, năng lực phán đoán và giải quyết vấn đề.
Hiệu trưởng là người có khả năng điều hành công việc hành chính trong trường. Khả năng điều hành công việc của hiệu trưởng được biểu hiện: biết dự báo quy hoạch, kế hoạch phát triển của nhà trường, biết cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của cấp trên vào tình hình thực tiễn của trường, đề ra các quyết sách hợp lý cho sự phát triển của đơn vị và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Hiệu trưởng xây dựng cho mọi người có nếp sống và làm việc theo pháp luật, theo quy chế, tạo ra kỷ cương trong nội bộ, tuân thủ nghiêm túc các quy tắc, quy trình, quy phạm đối với từng loại công việc. Mọi người làm hết bổn phận trách nhiệm của mình trên tinh thần phối hợp chặt chẽ thiện chí, tin cậy và thống nhất.
Hiệu trưởng là người biết xúc tiến, ủng hộ và thúc đẩy đổi mới. Người hiệu trưởng phải biết rút kinh nghiệm về những cái đã qua, dự đoán được cái sẽ tới. Phải làm người dám đổi mới, biết đổi mới và thúc đẩy ủng hộ cái mới bằng việc cải tiến cải cách các mặt hoạt động trong nhà trường.
Ví dụ: Cải tiến phong cách quản lý hoặc cải tiến phương pháp giáo dục trẻ để chống tình trạng phổ thông hóa giáo dục mầm non.
Cải tiến công tác tổ chức nuôi dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ,…
Hiệu trưởng phải biết phối hợp nội lực và ngoại lực. Hiệu trưởng phải biết khơi gợi và phát huy tiềm năng của mỗi cán bộ giáo viên trên từng vị trí công việc, biết tạo lập cho đơn vị không bao giờ tồn tại trong thể cô lập, biết huy động được sự ủng hộ của cấp trên, của các lực lượng trong cộng đồng xã hội, biết phối hợp nội lực và ngoại lực tạo động lực cho nhà trường phát triển không ngừng.
Tiêu chuẩn hiệu trưởng mầm non đối với nghiệp vụ quản lý
Tiêu chuẩn bắt buộc đối với hiệu trưởng trường mầm non là phải có nghiệp vụ quản lý giáo dục mầm non. Cụ thể như sau:
Công tác kế hoạch của hiệu trưởng trường mầm non
Kế hoạch hóa là một chức năng quan trọng của công tác quản lý trường mầm non. Bởi vì lập kế hoạch tức là soạn thảo và thông qua những quyết định quản lý quan trọng nhất.
Công tác kế hoạch trong trường mầm non đòi hỏi người hiệu trưởng phải quan tâm đầy đủ các loại kế hoạch như:
– Kế hoạch dài hạn
– Kế hoạch ngắn hạn
– Kế hoạch tổng thể
– Kế hoạch bộ phận
– Kế hoạch tập thể
– Kế hoạch cá nhân
Trong đó đặc biệt chú ý đến kế hoạch năm học. Kế hoạch năm học là các mốc trong kế hoạch dài hạn, nó kế thừa kế hoạch của năm học trước và chuẩn bị cho kế hoạch năm học sau. Kế hoạch năm học là sự cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ năm học với các mục tiêu và biện pháp rõ ràng, đó là cơ sở để xây dựng kế hoạch của từng bộ phận cũng như kế hoạch cá nhân.
Lập kế hoạch bao gồm sự lựa chọn các mục tiêu và xác định các phương án hành động hợp lý để đạt mục tiêu. Vì thế, kế hoạch là cơ sở để thống nhất mọi hoạt động của các thành viên trong nhà trường và các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học. Quản lý bằng kế hoạch là cách quản lý khoa học, giúp hiệu trưởng chủ động điều hành công việc, hướng mọi hoạt động của nhà trường vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, tránh được sự hoạt động manh múm, thiếu phối hợp đồng bộ. Mặt khác, kế hoạch còn là căn cứ để kiểm tra đánh giá của cấp trên và tự kiểm tra đánh giá của nhà trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học.
Xây dựng kế hoạch là tạo tiền đề cho quá trình quản lý. Chất lượng của kế hoạch có ảnh hưởng lớn đến chất lượng quản lý nhà trường. Bởi vì kế hoạch được coi là chương trình hành động của nhà trường, quá trình quản lý của người hiệu trưởng là quá trình chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đề ra trong kế hoạch. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch là một quá trình, là nghệ thuật tác động đến con người, tập thể người lao động sao cho họ tự nguyện và hăng hái thực hiện kế hoạch để đạt được các mục tiêu của nhà trường. Vì thế công việc này đòi hỏi cao ở người hiệu trưởng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn. Mặt khác, ngoài việc xây dựng kế hoạch năm học của trường, hiệu trưởng phải xây dựng kế hoạch cá nhân và thực hiện kế hoạch đó một cách khoa học.
Chỉ đạo thực hiện mục tiêu quản lý trường mầm non
Chỉ đạo phát triển số lượng trẻ
Duy trì và phát triển số lượng trẻ đến trường mầm non là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu, đảm bảo sự tồn tại, phát triển của nhà trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội và chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho trẻ vào trường phổ thông.
Chỉ đạo thực hiện mục tiêu số lượng cần được kế hoạch hóa trên cơ sở nhu cầu gửi con của các gia đình ở địa bàn dân cư và khả năng thực tế của trường về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên,…
Trường mầm non dù ở loại hình nào được tổ chức đều mang tính tự nguyện nên việc thu hút trẻ đến trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nhận thức của cộng đồng xã hội đối với công tác giáo dục mầm non, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở trường, các điều kiện cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường sư phạm.
Chỉ đạo thực hiện mục tiêu số lượng trẻ là công việc thường xuyên phải làm của quản lý trường mầm non. Số lượng trẻ đến trường không thuần túy là con số mang tính định lượng mà còn phản ánh chất lượng giáo dục của nhà trường. Đó là điều kiện đảm bảo sự tồn tại, ổn định và phát triển của trường mầm non, đồng thời là cơ sở để thực hiện các mục tiêu quản lý có liên quan.
Chỉ đạo mục tiêu chất lượng
Đảm bảo chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ là mục tiêu cơ bản nhất trong hệ thống mục tiêu quản lý trường mầm non. Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ là góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non.
Chỉ đạo việc thực hiện chương trình là một nội dung quan trọng của cán bộ quản lý trường mầm non. Bởi vì toàn bộ hoạt động chuyên môn của nhà trường đều nhằm thực hiện tốt nội dung chương trình Bộ đã ban hành. Do đó việc nắm vững chương trình và chỉ đạo thực hiện có chất lượng chương trình vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu đối với cán bộ quản lý cũng như giáo viên ở các trường mầm non.
Chỉ đạo mục tiêu chất lượng bao gồm các nội dung sau đây:
(1) Chỉ đạo thực hiện chế độ sinh hoạt hằng ngày của trẻ.
(2) Chỉ đạo công tác nuôi dưỡng trẻ.
(3) Chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe và bảo vệ an toàn cho trẻ.
(4) Chỉ đạo thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ.
(5) Chỉ đạo thực hiện các chuyên đề.
Chỉ đạo xây dựng tập thể sư phạm
Công tác quản lý trường học nói chung và quản lý trường mầm non nói riêng mặc dù vẫn còn yếu tố quản lý cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật nhưng yếu tố quản lý con người xuyên suốt toàn bộ quá trình quản lý.
Đội ngũ cán bộ giáo viên trong trường mầm non là những tập thể sư phạm, họ là lực lượng chủ yếu quyết định chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ và quyết định thành tích của nhà trường. Với vai trò quan trọng đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ giáo viên phải không ngừng được nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất nghề nghiệp, ổn định đồng bộ về cơ cấu và tạo điều kiện để tiềm năng của mỗi người được phát huy trên từng vị trí công việc.
Biện pháp xây dựng, quản lý tập thể sư phạm bao gồm những công việc sau đây:
(1) Hoàn thiện cơ cấu và cơ chế hoạt động trong tập thể.
(2) Xây dựng các nề nếp trong tập thể.
(3) Sắp xếp, sử dụng giáo viên, cán bộ.
(4) Xây dựng quy hoạch cán bộ.
(5) Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Tiêu chuẩn hiệu trưởng mầm non về nghiệp vụ quản lý còn thể hiện trong các lĩnh vực sau: Quản lý kinh phí – cơ sở vật chất của trường mầm non; Huy động cộng đồng tham gia xây dựng – phát triển nhà trường; Kiểm tra – đánh giá nội bộ trường học; giải quyết công tác hành chính trong trường mầm non;
Hiệu trưởng trường mầm non đồng thời phải thực hiện tốt các công việc trên, thể hiện đúng vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu trong mọi tình huống. Trường mầm non có phát triển vững mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách quản lý của người hiệu trưởng. Tiêu chuẩn hiệu trưởng mầm non xác định rõ yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cũng như năng lực quản lý của người đảm đương trách nhiệm hiệu trưởng.
Để trở thành một hiệu trưởng có khả năng lãnh đạo tốt, tạo ra sự phát triển bền vững cho nhà trường, người đó cần hội tụ đầy đủ các yếu tố về phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, cách giao tiếp với những người xung quanh, đặc biệt là có tư duy chủ động – sáng tạo của người lãnh đạo nhằm tạo ra bước nhảy vọt có ý nghĩa cho trường mầm non.
Nội dung “Tiêu chuẩn hiệu trưởng mầm non” được chia sẻ tai Blog Nuôi dạy trẻ. Những ai có ý định mở trường mầm non tư thục, hoặc đang đảm đương chức vụ quản lý trường mầm non có thể truy cập website nuoidaytre.com.vn để tham khảo thông tin hữu ích.
Nguồn tham khảo: “Một số vấn đề quản lý giáo dục”
của Phạm Thị Châu và Trần Thi Sinh
- Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến đặc sắc nhất
- Phân tích bài Hồi trống cổ thành kịch tính, hấp dẫn,
- Giáo dục phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non 3 – 4 tuổi
- Làm thế nào để trẻ không bị dậy thì sớm? Chế độ ăn cho trẻ dậy thì sớm
- Chăm sóc mẹ bầu đúng cách để con thông minh, khỏe mạnh