Kế hoạch kiểm tra nội bộ trường mầm non. Sự cần thiết, nội dung và phương pháp lập kế hoạch đúng đắn

Kế hoạch kiểm tra nội bộ trường mầm non là yếu tố bắt buộc đối với người giữ trọng trách quản lý trường học. Kiểm tra nội bộ trường mầm non nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm học, đồng thời phát hiện điều chỉnh kịp thời những tồn tại hạn chế xảy ra bên trong nội bộ của trường học.

Lập kế hoạch kiểm tra nội bộ trường mầm non là công việc tương đối phức tạp, bởi lẽ quản lý nhà trường phải xác định rõ đối tượng, nội dung cũng như cách thức kiểm tra phù hợp nhất. Xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ của trường mầm non cần tuân theo những nguyên tắc nhất định như: nguyên tắc kiểm tra, nguyên tắc đảm bảo tính pháp chế, nguyên tắc đảm bảo tính kế hoạch, nguyên tắc đảm bảo tính khách quan, nguyên tắc hiệu quả và nguyên tắc giáo dục,… nhằm có tác động đúng đắn nhất tới đối tượng cần kiểm tra.

Thực hiện đúng nguyên tắc kiểm tra nội bộ trường mầm non giúp nhà quản lý đánh giá chính xác tình hình thực tiễn của nhà trường, có biện pháp khắc phục giải quyết khó khăn hiệu quả, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc – giáo dục trẻ đồng thời giúp nhà trường phát triển vững mạnh.

Có thể bạn cũng quan tâm :

  • Lập kế hoạch năm học trường mầm non theo mẫu mới nhất
  • Quản lý giáo dục mầm non. Quản lý trường mầm non trong thời đại mới
  • Đổi mới công tác quản lý trường mầm non. Quản lý trường mầm non gồm những công việc gì?
  • Tiêu chuẩn hiệu trưởng mầm non mới nhất. Hiệu trường của trường mầm non cần có những yếu tố gì?
Xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ trường mầm non hằng năm

Sự cần thiết của kế hoạch kiểm tra nội bộ trường mầm non

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 có đoạn viết: “Kiểm tra là một chức năng chủ yếu của Đảng, là một khâu quan trọng của tổ chức thực hiện, đó cũng là biện pháp có hiệu nghiệm để khắc phục bệnh quan liêu.

Trong công tác quản lý trường mầm non, kiểm tra vừa là một chức năng quan trọng vừa là một biện pháp quản lý có hiệu quả. Hiệu trưởng kiểm tra mọi hoạt động trong nhà trường cũng chính là tự kiểm tra hoạt động quản lý của mình. Qua kiểm tra giúp cán bộ quản lý nắm được đầy đủ những thông tin cần thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ, đánh giá đúng phẩm chất năng lực của cán bộ giáo viên, phát hiện đúng những lệch lạc, thiếu sót để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, uốn nắn, nhằm không ngừng hoàn thiện quá trình quản lý và nâng cao chất lượng các hoạt động trong nhà trường.

Mặt khác kiểm tra của hiệu trưởng có tác động đến hành vi của cán bộ giáo viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ đối với công việc, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững, đúng hướng của nhà trường. Hiệu trưởng buông lỏng công tác kiểm tra nội bộ cũng chính là buông lỏng công tác quản lý.

Nguyên tắc lập kế hoạch kiểm tra nội bộ trường mầm non

Kiểm tra nội bộ trường mầm non là loại hình công việc đa dạng, phức tạp. Đối tượng kiểm tra chủ yếu là con người, mục đích kiểm tra vì sự tiến bộ của con người, do đó không thể tiến hành kiểm tra tùy tiện mà phải coi trọng một số nguyên tắc sau đây:

Nguyên tắc pháp chế:

Quyết định kiểm tra của hiệu trưởng phải được mọi cán bộ giáo viên trong trường thi hành triệt để. Người chống đối quyết định kiểm tra là vi phạm quy chế. Nếu hiệu trưởng lợi dụng kiểm tra để thực hiện ý đồ cá nhân thì chính hiệu trưởng vi phạm nguyên tắc này.

Nguyên tắc đảm bảo tính kế hoạch

Cơ sở khoa học của tính kế hoạch là đảm bảo sự ổn định mọi hoạt động trong nhà trường. Kiểm tra có kế hoạch là đưa công việc kiểm tra vào nội dung chương trình hoạt động của nhà trường một cách hợp lý và thống nhất, không gây xáo trộn.

Nguyên tắc đảm bảo tính khách quan

Cơ sở khoa học của nguyên tắc này là thái độ trung thực trong kiểm tra. Người kiểm tra phải tôn trọng sự thật khách quan trong kiểm soát, đánh giá và xử lý. Hình thức bộc lộ của nguyên tắc đảm bảo tính khách quan là công khai, công bằng và dân chủ.

Nguyên tắc hiệu quả

Cơ sở khoa học của nguyên tắc hiệu quả là hiệu suất lao động và lợi ích kinh tế trong kiểm tra. Kiểm tra không dẫn đến tốn kém, kiểm tra để giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn, kiểm tra để thúc đẩy các mặt tốt, hạn chế các mặt tiêu cực. o

Nguyên tắc giáo dục

Cơ sở khoa học của nguyên tắc giáo dục là lòng nhân ái. Kiểm tra để hiểu biết công việc, hiểu biết và giúp đỡ con người. Tính giáo dục bộc lộ mục đích, nội dung và phương pháp kiểm tra. Bảo đảm nguyên tắc giáo dục sẽ tạo được quá trình kiểm tra thành tự kiểm tra.

Kiểm tra nội bộ khu vực bếp ăn của trường mầm non

Nội dung và phương pháp kiểm tra nội bộ trường mầm non

Có thể nói rằng mọi công việc diễn ra trong nhà trường đều là nội dung kiểm tra của hiệu trưởng. Giáo viên là đối tượng quản lý quan trọng nhất trong trường mầm non, nên kiểm tra hoạt động sư phạm của giáo viên là một nội dung quan trọng hàng đầu mà hiệu trưởng cần quan tâm.

Hàng năm mỗi giáo viên đều được kiểm tra các công việc chủ yếu như: kiểm tra kế hoạch công tác, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, kiểm tra việc thực hiện chế độ sinh hoạt hằng ngày, kiểm tra hồ sơ sổ sách, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn, kiểm tra trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra sự kết hợp với gia đình trẻ,…

Hiệu trưởng kiểm tra đánh giá giáo viên để thúc đẩy họ làm tốt nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ, đảm bảo hoạt động nhịp nhàng của tập thể sư phạm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục. Mặt khác kiểm tra đánh giá đúng cũng là một biện pháp động viên tích cực đối với giáo viên.

Hoạt động sư phạm của tổ chuyên môn là một nội dung không thể thiếu được trong công tác kiểm tra của hiệu trưởng. Qua kiểm tra nề nếp sinh hoạt chuyên môn, sự điều hành của tổ trưởng, hồ sơ sổ sách, công tác bồi dưỡng chuyên môn của tổ trưởng chuyên môn và tạo nên sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận.

Kiểm tra hoạt động của các bộ phận: nuôi dưỡng, y tế, vệ sinh, hành chính quản trị, bảo vệ trị an,…

Kiểm tra cơ sở vật chất trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc giáo dục trẻ.

Kiểm tra tài chính, đảm bảo đúng nguyên tắc và có hiệu quả.

Phương pháp kiểm tra

Phương pháp kiểm tra là cách thức tác động vào các đối tượng nhằm xác định bản chất các đối tượng được kiểm tra.

– Phương pháp quan sát: Người kiểm tra trực tiếp ghi nhận tình hình, nghe thấy, nhìn thấy hoạt động của đối tượng được kiểm tra.

– Phương pháp tác động trực tiếp đến đối tượng.

Hiệu trưởng có thể đàm thoại trực tiếp với giáo viên, cán bộ và phụ huynh để làm rõ vấn đề kiểm tra hoặc áp dụng trắc nghiệm đối với nhiều giáo viên, phụ huynh về những vấn đề kiểm tra.

– Phương pháp phân tích văn bản, xử lý số liệu tổng hợp.

Hiệu trưởng đọc, tìm hiểu các văn bản tư liệu hồ sơ sổ sách của giáo viên, cán bộ, sản phẩm của học sinh,… Tiến hành so sánh, đối chiếu, phân tích để nắm được vấn đề cần kiểm tra.

– Phương pháp tạo tình huống.

Người kiểm tra phải tạo tình huống để qua đó đánh giá được tình hình. Trong quá trình tiến hành kiểm tra nội bộ, hiệu trưởng cần sử dụng phối hợp các phương pháp kiểm tra.

Hình thức kiểm tra

Có nhiều căn cứ để phân loại các hình thức kiểm tra ở trường mầm non.

– Căn cứ vào phong cách thực hiện, có hai loại:

+ Kiểm tra trực tiếp,

+ Kiểm tra gián tiếp,

– Căn cứ vào thời gian;

+ Kiểm tra báo trước,

+ Kiểm tra đột xuất,

– Căn cứ vào quy mô, phạm vi kiểm tra:

+ Kiểm tra toàn diện (toàn bộ)

+ Kiểm tra từng phần (bộ phận)

– Căn cứ vào quá trình thực hiện:

+ Kiểm tra sơ bộ

+ Kiểm tra diễn biến

 + Kiểm tra tổng kết

Nhìn chung, tùy thuộc vào mục đích kiểm tra mà người hiệu trưởng vận dụng hình thức kiểm tra nào cho phù hợp với đối tượng quản lý, phù hợp với đặc điểm của trường mầm non.

Kiểm tra đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên mầm non

Trên đây là toàn bộ nội dung về kế hoạch kiểm tra nội bộ trường mầm non. Kiểm tra nội bộ trường mầm non có thể diễn ra trên tất cả lĩnh vực của nhà trường như: kiểm tra cơ sở vật chất – trang thiết bị phục vụ chăm sóc và dạy học cho trẻ, kiểm tra đánh giá kinh phí và hoạt động sử dụng kinh phí trong trường, kiểm tra năng lực chuyên môn của giáo viên mầm non, kiểm tra chu trình hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em,… Đôi khi, kế hoạch kiểm tra nội bộ trường mầm non chỉ diễn ra tại một số lĩnh vực nhất định của trường học (mà không bắt buộc kiểm tra đánh giá toàn bộ hoạt động của nhà trường).

Những nội dung cần thiết liên quan đến mở trường mầm non, xây dựng kế hoạch năm học trường mầm non, hay hướng dẫn tổ chức hoạt động trong trường mầm non được chia sẻ tại Blog Nuôi dạy trẻ. Người có ý định mở trường mầm non, giữ trọng trách quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn), hay đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non có thể truy cập website https://nuoidaytre.com.vn để tham khảo thông tin hữu ích.

Xem thêm:

  • Bài thơ Vắng Chàng – Lưu Trọng Lư
  • Phân tích 12 câu đầu Trao duyên – trích đoạn trong Truyện Kiều Nguyễn Du
  • Có nên mua Bảo hiểm nhân thọ không? Rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ
  • Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất
  • Thực hành đọc hiểu Ca dao Việt Nam trang 41-42 lớp 6 tập 1 (CD)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *