Dạy trẻ vận động theo nhạc là một trong những nội dung của chương trình giáo dục mầm non thời đại mới. Mục đích của công việc này là phát triển năng khiếu âm nhạc ở trẻ, giáo dục trẻ cảm nhận cái đẹp – cái hay của giai điệu âm nhạc, hun đúc tâm hồn giàu đẹp, mượt mà và biết rung động trước những điều tuyệt vời của cuộc sống.
Dạy trẻ vận động theo nhạc được trình bày cụ thể trong các giáo án âm nhạc (hay còn gọi là giáo án phát triển thẩm mỹ) dành cho trẻ em lứa tuổi mầm non. Nhiệm vụ của giáo viên mầm non là tìm kiếm phương pháp dạy trẻ vận động theo nhạc phù hợp với từng độ tuổi khác nhau của trẻ, lồng ghép ý nghĩa giáo dục mầm non là phát triển thẩm mỹ, ngôn ngữ, nhận thức, thể chất, tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ thông qua giai điệu âm nhạc. Dưới đây là một trong những giáo án mẫu dạy trẻ vận động theo nhạc dành lứa tuổi mẫu giáo 4-5 tuổi, giáo viên mầm non có thể tham khảo.
GIÁO ÁN LĨNH VỰC PHÁT TRIỂN THẨM MỸ
DÀNH CHO TRẺ MẪU GIÁO 4-5 TUỔI
Dạy vận động minh họa: Đàn gà con
Nghe hát: Cánh cò trong câu hát mẹ ru
Trò chơi âm nhạc: Ai nhanh nhất?
I. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU
- Kiến thức
– Trẻ hát đúng giai điệu bài hát “Đàn gà con”. Biết vận động minh họa với các động tác phù hợp nhịp điệu âm nhạc.
– Biết tên bài hát, chơi trò chơi đúng luật.
- Kỹ năng
– Chú ý nghe cô hát, thể hiện cảm xúc khi nghe.
– Rèn phản ứng linh hoạt qua các trò chơi âm nhạc.
– Rèn khả năng chú ý quan sát.
- Thái độ
– Biết yêu quý, chăm sóc các con vật gần gũi.
– Hào hứng tham gia các hoạt động.
II. CHUẨN BỊ
- Chuẩn bị của cô
– Máy hát, băng nhạc.
– Vòng chơi trò chơi: 6 cái
– Khăn, áo,… cho cô.
– Chuẩn bị tiết mục múa minh họa bài “Cánh cò trong câu hát mẹ ru” của cô và một số trẻ.
- Chuẩn bị của trẻ
– Mũ gà con
III. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG
- Ổn định
– Hôm nay cô sẽ dẫn lớp mình đến Nhà thiếu nhi Long An để tham gia trò chơi “Giải câu đố đoán hình nền”. Đường đi đến đó rất gần nên cô cháu mình sẽ đi bộ. Khi đi bộ, các con phải đi ở đâu và đi như thế nào?
– Cô giáo dục trẻ khi đi bộ phải đi trên vỉa hè và bên tay phải chiều đi của mình, khi đi không chen lấn, xô đẩy bạn sẽ rất nguy hiểm.
- Nội dung
2.1 Hoạt động chính
a) Hoạt động 1: Giải câu đố đoán hình nền
– Cô giải thích cách chơi: Trên màn hình là những câu đố mà Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn. Cô sẽ đọc câu đố và các con phải nhanh chóng giơ tay để giành quyền trả lời. Khi con trả lời đúng thì hình nền sẽ dần được hiện ra. Các con có quyền đoán hình nền bất cứ lúc nào các con thích. Nếu giải được hình nền, các con sẽ là những người thắng cuộc.
– Cô đọc câu đố và trẻ trả lời cho đến khi hình nền được đoán ra là hình gì.
Câu đố 1: Câu đố về con gà mái
Có cánh mà chẳng bay xa
Đẻ trứng cục ta cục tác từng hồi
Ấp trứng khi trứng nở rồi
Suốt ngày cục cục kiếm mồi nuôi con
Đố các con là con gì?
Câu đố 2: Câu đố về con gà con
Cái mỏ xinh xinh
Hai chân tí xíu
Lông vàng mát dịu
Chiếp chiếp suốt ngày
Đố các con là con gì?
Câu đố 3: Câu đố về con mèo
Con gì hai mắt trong veo
Thích nằm sưởi nắng, thích trèo cây cau
Đố các con là con gì?
Câu đố 4: Câu đố về con heo
Con gì ăn no
Bụng to mắt híp
Miệng kêu ụt ịt
Nằm thở phì phò
Đố các con là con gì?
b) Hoạt động 2: Bé cùng sáng tạo (Hát và vận động theo nhạc bài “Gà trống thổi kèn”)
– Cô gợi ý trẻ chú ý lắng nghe bài hát “Gà trống thổi kèn”.
– Cô hát bài hát “Gà trống thổi kèn” một lần.
– Cô và trẻ cùng hát.
– Cô và cả lớp cùng hát lại bài hát 2 lần.
– Cô gợi hỏi ý tưởng của một vài trẻ: Với giai điệu vui tươi của bài hát này, chúng ta sẽ vận động như thế nào cho phù hợp? Ai có thể kể tên các cách vận động cho cô và cả lớp nghe? (Cô bật nhạc cho trẻ tự vận động sáng tạo).
– Cô mời các trẻ thích cách vận động giống nhau cùng về một nhóm và chuẩn bị đạo cụ cho nhóm của mình.
– Cho từng nhóm hội ý và đại diện của nhóm nêu cách thực hiện của nhóm mình.
– Cô mời từng nhóm lên thể hiện lại sự sáng tạo của nhóm mình theo lời bài hát “Gà trống thổi kèn”.
– Cô cùng các nhóm thể hiện lại sự sáng tạo của nhóm.
– Cô mời nhóm, cá nhân biểu diễn sáng tạo.
– Cho cả lớp cùng vận động lại bài hát.
2.2 Hoạt động kết hợp
a) Hoạt động 1: Trò chơi âm nhạc “Nghe giai điệu đoán tên bài hát”
– Cô giới thiệu tên trò chơi “Nghe giai điệu đoán tên bài hát”.
– Cách chơi: Ba đội thi đua với nhau, mỗi đội sẽ cử đại diện một bạn lên chọn một nốt nhạc về cho đội của mình. Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn ba nốt nhạc: một nốt trắng màu vàng, nốt móc đơn màu xanh, và nốt móc kép màu đỏ. Trên màn hình là hình ảnh của 3 nốt nhạc. Các con sẽ được nghe 1 đoạn giai điệu, một đoạn nhạc hoặc một đoạn nhạc đã bị làm méo tiếng. Ba đội chơi sẽ phải lắng nghe thật kỹ và bàn bạc với nhau để tìm ra một đáp án thật chính xác. Nếu đến luật chơi của đội mình mà các con không đoán ra được tên bài hát thì đội khác có quyền giơ tay để giành quyền trả lời bổ sung.
– Cô tổ chức cho trẻ chơi.
b) Hoạt động 2: Bé với dân ca (nghe hát)
– Cô giới thiệu cho trẻ nghe hát bài dân ca “Lý con sáo” – dân ca Nam Bộ.
– Cô hát cho trẻ nghe cùng nhạc đệm.
– Cô tóm tắt nội dung bài hát. Cô đặt câu hỏi về tên bài hát, là dân ca vùng nào?
– Cô hát cho trẻ nghe kết hợp minh họa bài hát cùng với trẻ.
- Kết thúc
– Cô nhận xét hoạt động của trẻ. Động viên, khuyến khích trẻ.
– Cô hướng dẫn trẻ thu dọn, sắp xếp ngăn nắp đồ dùng học tập. Cô cho trẻ chuyển sang hoạt động khác.
Nguồn tham khảo: Nguyễn Thị Vui
Nội dung dạy trẻ vận động theo nhạc được trình bày cụ thể trong các giáo án âm nhạc (hay còn gọi là giáo án lĩnh vực phát triển thẩm mỹ) dành cho trẻ em lứa tuổi mầm non. Trên đây là một giáo án điển hình cho lĩnh vực này, với nội dung dạy trẻ vận động theo nhạc của bài hát “Đàn gà con”, kết hợp nghe hát “Cánh cò trong câu hát mẹ ru” và trò chơi âm nhạc “Ai nhanh nhất”.
Giáo án giảng dạy tại các trường mầm non bao gồm các lĩnh vực: phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội, phát triển thẩm mỹ được chia sẻ tại Blog nuoidaytre.com.vn. Giáo viên mầm non, sinh viên các trường sư phạm (chuyên ngành Giáo dục mầm non), học viên trong quá trình thực tập (học nghề) tại các trường mầm non có thể truy cập Blog Nuôi dạy trẻ để tìm hiểu thông tin hữu ích.
- Bài thơ Nhớ Ông Bùi Tứ – Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu)
-
Thơ tình Huế Mùa Sương – Thơ Về Sương Mù Xứ Huế
– Thơ Buồn Tình Yêu
- Đề Tài: Khám phá thử nghiệm Những đôi tất xinh xắn
- Bài thơ Câu Rậm Đò – Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu)
- Kinh nghiệm mở trường mầm non tư thục từ A đến Z, mới nhất 2020