Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở trường mầm non ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình lớn lên và trưởng thành của trẻ. Trẻ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nói đúng hơn là thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý sẽ tạo điều kiện tốt cho trẻ phát triển thông minh và khỏe mạnh.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở trường mầm non luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Nhiệm vụ hàng đầu và có tầm quan trọng nhất đối với giáo dục mầm non đó là phát triển thể chất cho trẻ em. Trẻ muốn học tập tốt, tự tin tham gia vào các hoạt động khác nhau của cuộc sống thì cần có cơ thể khỏe mạnh và một trí óc minh mẫn. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ này, hướng đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong thời đại mới.
Có thể bạn cũng quan tâm :
- Thực đơn trường mầm non theo tiêu chuẩn dinh dưỡng. Thực đơn cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non
- Lập kế hoạch năm học trường mầm non theo mẫu mới nhất
Vai trò quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Cơ thể trẻ em là cơ thể đang lớn và đang trưởng thành, khái niệm lớn chỉ sự tăng về kích thước, bao gồm sự phát triển về thể chất. Khái niệm trưởng thành chỉ sự hoàn thiện về chức năng, bao gồm sự phát triển về tâm thần và vận động.
Về mặt sinh học, sự lớn lên và trưởng thành đòi hỏi phải được cung cấp đầy đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng và chất xúc tác để kiểm soát sự biệt hóa. tăng kích thước số lượng tế bào.
Nếu thiếu dinh dưỡng, cơ thể sẽ chậm lớn, chậm phát triển. Kéo dài tình trạng trên dẫn đến sụt cân, tiêu hao tổ chức và suy dinh dưỡng. Ngược lại nếu thừa dinh dưỡng (chủ yếu là thừa protein, song vẫn thiếu các chất dinh dưỡng khác) sẽ ảnh hưởng không tốt đến cấu trúc, chức phận của tế bào, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tim mạch, huyết áp,… Vì vậy, dinh dưỡng hợp lý là vấn đề vô cùng cần thiết đối với sức khỏe của trẻ em.
1. Kiến thức hiểu biết của các bậc cha mẹ, những người làm công tác nuôi dạy trẻ về nhu cầu dinh dưỡng trẻ em, nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ ăn bổ sung hợp lý,…
2. Sự cung cấp thức ăn cho trẻ em bao gồm số lượng, chất lượng để đáp ứng nhu cầu cơ bản về dinh dưỡng cho trẻ em.
Một đứa trẻ bình thường, được nuôi dưỡng đầy đủ và hợp lý sau 6 tháng trọng lượng cơ thể sẽ tăng gấp 2 lần, sau một năm sẽ tăng gấp 3 lần, sau 2 năm tăng gấp 4 lần so với cân nặng lúc mới sinh. Sau đó, mỗi năm trẻ tăng khoảng 2kg.
Chiều cao: Trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình 49-50cm, đến 1 tuổi chiều cao tăng gấp 1,5 lần so với lúc mới sinh (khoảng 75cm), sau đó trung bình 1 năm trẻ tăng từ 5-7cm/năm cho tới lúc dậy thì.
Hệ cơ xương: Được hình thành, phát triển từ thời kỳ bào thai, vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau khi sinh, Nhờ đó trẻ thay đổi dần hình dáng, cơ thể cân đối dần, các vận động của trẻ ngày càng phong phú khéo léo.
Sự phát triển của não bắt đầu từ thời kỳ bào thai, sau khi sinh tiếp tục phát triển nhanh đến 2 tuổi đạt 75%.
Đến 5-6 tuổi đạt 90% trọng lượng não người lớn.
Từ 0-5 tuổi là thời kỳ hoàn chỉnh hệ thống thần kinh trung ương và vỏ não, quyết định năng lực trí tuệ tương lai của trẻ. Do đó, dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc, giáo dục đầy đủ tạo điều kiện tốt cho trẻ phát triển và trưởng thành, góp phần quan trọng trong việc tạo ra một thế hệ mầm non, thông minh.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo
Nguyên tắc chung về dinh dưỡng cho trẻ từ 1 tháng đến 6 tuổi
– Thức ăn cho trẻ phải từ mềm đến cứng, từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều (nhất là trẻ dưới 3 tuổi). Chế biến phù hợp với đặc điểm sinh lý và khả năng tiêu hóa của trẻ (cơm mềm, dẻo, thức ăn chín mềm,…).
– Cho trẻ ăn nhiều bữa để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng vì dạ dày của trẻ còn nhỏ. Phối hợp nhiều loại thức ăn để bữa ăn đủ chất và cân đối. Bữa ăn của trẻ là bữa ăn phối hợp gồm nhiều loại thực phẩm: gạo, thịt, cá, trứng, sữa, đậu, đỗ, dầu mỡ, rau củ, quả tươi,…
– Thường xuyên thay đổi thực phẩm và cách chế biến món ăn để trẻ ăn ngon miệng và ăn hết suất. lương thực, thực phẩm thay thế cần phải đảm bảo tương đương.
– Khi thay đổi món ăn phải tập cho trẻ quen dần, tránh thay đổi đột ngột và không cho trẻ ăn nhiều món lạ cùng một lúc vì sức đề kháng của trẻ còn yếu, sự thích nghi với thức ăn lạ chưa cao.
– Hạn chế ăn nhiều đường. Mỗi ngày không cho trẻ ăn quá 10 gam đường và tuyệt đối không ăn kẹo, bánh trước bữa ăn.
– Không nên cho trẻ ăn mì chính vì không có chất dinh dưỡng lại không có lợi.
– Cần chú ý tới vệ sinh thực phẩm và vệ sinh trong ăn uống để phòng tránh nhiễm khuẩn và bệnh đường ruột ở trẻ.
– Cần cho trẻ uống đủ nước. Trẻ càng bé càng cần đủ nước. Nước uống của trẻ cần đun sôi kỹ. Mùa đông cho trẻ uống nước ấm, mùa hè uống nước mát.
– Rèn luyện cho trẻ có thói quen tốt trong ăn uống: Ăn đúng giờ, ăn nóng, hợp vệ sinh, sạch sẽ. Không la mắng và phạt trẻ trước và trong khi ăn. Không bắt ép trẻ ăn khi trẻ không muốn ăn.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 12-24 tháng tuổi
Khi trẻ được 1 tuổi, bữa ăn của trẻ dần dần độc lập với mẹ, trẻ thích nghi dần với chế độ ăn bổ sung. Cơ quan tiêu hóa của trẻ chưa thật hoàn chỉnh, răng chưa thật đầy đủ, nhai chưa tốt. Một đứa trẻ phát triển bình thường đến 18 tháng mới có răng cửa, răng nanh và răng hàm nhỏ thứ nhất (khoảng 14 răng). Vì vậy, thức ăn ở lứa tuổi này cần mềm, nhừ, nhỏ, dễ tiêu hóa với đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết giúp cho sự phát triển cơ thể nói chung, răng và bộ máy tiêu hóa nói riêng.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ 12-24 tháng tuổi cần lưu ý những vấn đề sau đây:
– Vẫn cho trẻ bú mẹ vào bữa phụ hoặc vào ban đêm (từ 19 giờ đến sáng hôm sau cho trẻ bú mẹ lúc nào có thể được).
– Trẻ ăn cháo, lúc đầu cho trẻ ăn cháo loãng, sau đặc dần (có thể cho ăn sớm hơn 1-2 tháng nếu trẻ đã chán ăn bột).
– Năng lượng cần thiết cung cấp cho trẻ: 900-1000 kcal/ngày/trẻ, ở nhà trẻ phấn đấu đạt được 60-70% nhu cầu trên.
– Một ngày ăn 5 bữa. Có thể sắp xếp như sau:
+ Sáng: 1 cốc sữa đậu nành hoặc bú mẹ.
+ Trưa: cháo thịt rau 1 bát (250ml) + chuối tiêu: 1/2-1 quả.
+ Giữa trưa: bú mẹ.
+ Chiều: cháo cá 1 bát (250ml) + nước cam (50-100g cam + 5g đường kính).
+ Tối: cháo đậu thịt 1 bát (250ml).
Mỗi bữa chính, trẻ 12-24 tháng ăn một bát cháo (khoảng 250-300g) và bữa ăn phụ, lương thực phẩm.
Lượng thức ăn cần cho trẻ 12-24 tháng tuổi
Thực phẩm bữa chính | Một suất cháo (gam) | Thực phẩm bữa phụ | Một suất (gam) |
Gạo tẻ, nếp | 40-60 | Quả chín (chuối) | 100-120 |
Thịt, cá, trứng | 15-30 | ||
Đậu, lạc | 5-10 | Nước quả pha hoặc sữa, chè | 120-150ml |
Dầu, mỡ, nước | 5-10 | ||
Rau các loại | 15-30 | ||
Nước mắm | 5-10 |
– Trong thời gian ở nhà trẻ, trẻ được ăn ít nhất 2 bữa chính, 1 bữa phụ và bú mẹ.
– Hằng ngày, cho trẻ uống đủ nước nhất là mùa hè. Lượng nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và nước uống ở trẻ em 12-18 tháng là 1,3-1,5 lít/ngày.
– Những ngày hè nóng nực, trẻ kém ăn, nhà trẻ có thể thay thế 1-2 bữa cháo bằng bún hoặc phở để trẻ ăn ngon miệng.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 24-36 tháng tuổi
Từ 24-36 tháng, cơ thể trẻ vẫn tiếp tục phát triển nhanh (tốc độ chậm hơn khi dưới 18 tháng), bộ máy tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện. Mỗi quý trẻ tăng 200-300 gam, chiều cao tăng 2-3cm.
Mặt khác, trẻ hoạt động nhiều hơn nên cơ thể tiêu hao năng lượng khá lớn. Đến 24 tháng trẻ gần như không bú sữa mẹ nữa và đã có 20 răng sữa nên có thể ăn được cơm thường như người lớn song phải mềm, dễ tiêu hóa và hấp thụ. Khẩu phần ăn hằng ngày không hợp lý về số lượng cũng như khâu chế biến chưa tốt sẽ làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa gây suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu.
Bước đầu, trẻ có khả năng tự phục vụ như tự xúc ăn, tự lấy nước uống. Thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ 24-36 tháng cần lưu ý những điều sau đây:
– Trẻ ăn cơm nát.
– Năng lượng cần đảm bảo cho trẻ: 1000-1300 kcal cho một ngày đối với một trẻ, ở nhà trẻ cần phấn đấu đạt 60-70% nhu cầu trên.
– Mỗi ngày trẻ được ăn 4-5 bữa. Trong thời gian ở nhà trẻ, trẻ được ăn ít nhất 2 bữa chính và một bữa phụ. Ta có thể cho trẻ ăn theo chế độ trong ngày như sau:
+ Sáng: sữa đậu nành x 01 cốc (200-250ml) + bánh mỳ: 1/2 cái.
+ Trưa: Cơm thịt rau x 2 bát con + chuối tiêu 01 quả.
+ Giữa chiều: cháo tôm (01 bát con) + đu đủ: 200 gam.
+ Chiều: cơm đậu phụ + rau x 2 bát con.
+ Tối: Sữa bò x 01 cốc 200ml.
Lương thực phẩm cho một trẻ 24-36 tháng (một bữa chính và bữa phụ) tại nhà trẻ được mô tả trong bảng sau:
Thực phẩm bữa chính |
Một suất cháo (gam) | Thực phẩm bữa phụ | Một suất (gam) |
Gạo tẻ, nếp | 65-75 | Quả chín (chuối) | 100-150 |
Thịt, cá, trứng | 15-30 | ||
Đậu, lạc | 5-10 | ||
Dầu, mỡ nước | 5-10 | ||
Rau các loại | 30-50 | Nước quả pha, sữa hoặc chè | 200ml |
Nước mắm | 5-10 |
– Cần chế biến cho trẻ ăn 2 món trong bữa ăn chính là thức ăn mặn và canh.
– Hằng ngày, cho trẻ được uống đủ nước từ 1,5-1,6 lít/ngày (dưới dạng thức ăn và nước uống).
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 3-6 tuổi
Sự tăng trưởng của cơ thể trẻ chậm lại so với những giai đoạn trước. Cơ quan tiêu hóa của trẻ phát triển hoàn thiện hơn, chức năng vận động của ống tiêu hóa khi trẻ 3-4 tuổi đã gần giống như ở người lớn.
Trẻ ở độ tuổi này thường thích ăn đồ ngọt (do có nhiều gai vị giác khắp mặt lưỡi). Trẻ ăn đồ ngọt nhiều dễ chán các loại thức ăn khác, gây mất thăng bằng dinh dưỡng và dễ làm hỏng răng. Vì vậy, nên cho trẻ ăn đồ ngọt sau bữa ăn, chú ý súc miệng, đánh răng sau mỗi bữa ăn.
So với giai đoạn trước, phạm vi tiếp xúc của trẻ rộng hơn, trẻ thích khám phá tìm tòi, bước đầu biết tự phục vụ bản thân, biết sử dụng một số đồ sinh hoạt. Nhà trường nên phối hợp với các bậc cha mẹ giáo dục dinh dưỡng và rèn nề nếp, thói quen ăn uống sạch sẽ, văn minh, lịch sự.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ 24-36 tháng cần lưu ý những điều sau đây:
– Năng lượng: 1500-1600 kcal/trẻ/ngày, ở trường mẫu giáo phấn đấu đạt 50-60% nhu cầu trên.
– Hằng ngày, trẻ được ăn 4-5 bữa, trong đó trẻ được ăn ở trường mẫu giáo một bữa chính và một bữa phụ. Có thể cho trẻ ăn theo chế độ trong ngày như sau:
+ Sáng: cháo thịt gà 1 bát tô (300ml)
+ Trưa: cơm thịt rau 2 bát con + chuối tiêu 1 quả.
+ Chiều: cháo lạc + bí đỏ (250ml)
+ Tối: cơm cá rau 2 bát con + đu đủ 200 gam
– Lương thực phẩm cho một trẻ (một bữa chính và bữa phụ) tại trường mẫu giáo được mô tả trong bảng sau:
Thực phẩm sạch | Bữa chính | Thực phẩm sạch | Bữa phụ | ||
Số lượng | Gam | Số lượng | Gam | ||
Gạo | 80-100 | Gạo, mì sợi | 50-60 | ||
Rau quả | 30-50 | Thịt hoặc cá | 15-20 | ||
Thịt hoặc cá, trứng, lạc, vừng,… | 25-50 | Hoặc đậu hạt (khô)
Đường mật |
20-30
20-30 |
||
Dầu mỡ (thìa cafe) | 2 | 10-12 | Hoặc chín quả | 100-150 | |
Nước mắm | 2 | 10 | Sữa đậu nành (cốc) | 1 | 100-150 |
– Cần chú ý phối hợp nhiều loại thức ăn để bữa ăn đủ chất, sử dụng những thực phẩm sẵn có ở địa phương; nếu có điều kiện nên tăng nguồn protein động vật nhiều hơn, nên tăng cường sử dụng tôm, cá, cua, lươn, nhộng, đậu đỗ thay thế thịt vì các thực phẩm này sẵn có ở địa phương.
– Chất đạm: nên chọn những thực phẩm tươi sống, chất lượng tốt và phối hợp với nhau, ví dụ như: trứng đúc thịt, đậu hạt nấu canh xương, óc nấu với đậu phụ, tôm rim thịt, cá kho tương, thịt xào giá.
– Chất béo: tốt nhất là dùng dầu thực vật hoặc mỡ lợn, lạc, vừng, bơ,…
– Chất bột đường: chủ yếu là gạo, ngoài ra có thể thay thế bằng phở, bánh đa, mì, khoai tây,…
– Sinh tố, muối khoáng: rau quả tươi là nguồn cung cấp vitamin và muối khoáng. Ngoài ra rau còn có tác dụng chống táo bón, có lợi cho tiêu hóa và hấp thụ.
Tùy theo mùa nên nấu hỗn hợp các loại rau trong một bữa như: rau đay + mồng tơi + mướp, khoai tây + cà rốt + su hào.
Nên dùng các loại rau quả có màu đỏ, vàng, xanh đậm như cà chua, gấc, củ cải đỏ, bí đỏ, đu đủ chín, chuối, xoài, rau ngót, rau dền,… vì chúng có nhiều vitamin A, D, E,… giúp cho trẻ tăng cường sức đề kháng phòng chống bệnh tật.
Hằng ngày cho trẻ được uống đủ nước từ 1,6-2,0 lít nước/ngày (dưới dạng thức ăn và nước uống).
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở trường mầm non được chia theo từng độ tuổi, trên cơ sở tính toán nhu cầu chất dinh dưỡng đảm bảo cho sự phát triển của trẻ. Áp dụng chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần thực hiện 3 nguyên tắc: Một là cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho trẻ phát triển thể chất khỏe mạnh, đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng có trong các loại thực phẩm. Hai là tính toán khẩu phần ăn hợp lý khoa học, thực hiện chế độ ăn uống đa dạng nhằm kích thích trẻ ăn uống ngon miệng hơn. Ba là thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế nhiễm khuẩn thực phẩm có thể gây bệnh cho trẻ.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ nếu thực hiện đúng 3 nguyên tắc trên sẽ giúp trẻ mau lớn, tăng trưởng chiều cao và cân nặng đều đặn, nâng cao sức đề kháng phòng chống bệnh tật. Không chỉ phát triển tốt về mặt thể chất, chế độ dinh dưỡng hợp lý còn giúp bé có trí tuệ minh mẫn, phát triển thông minh và khỏe mạnh.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, tốt cho sự phát triển của trẻ được chia sẻ tại Blog Nuôi dạy trẻ. Các bậc phụ huynh, giáo viên mầm non, quản lý trường mầm non, hay những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non nên truy cập website https://nuoidaytre.com.vn để tham khảo thông tin hữu ích.
Nguồn tham khảo: Giáo trình “Vệ sinh dinh dưỡng”
của Lê Thị Mai Hoa (Chủ biên) và Trần Văn Dần
- Bài thơ Thăm Thằng Bồ Nhìn – Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu)
- Các phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính
- Bài thơ Vết Sẹo Tuổi Thơ – Thu Bồn (Hà Đức Trọng)
- Bài thơ Ông Tiến Sĩ Mới – Tú Xương (Trần Tế Xương)
- Bài thơ Để Vợ Chơi Nhăng – Tú Xương (Trần Tế Xương)